HƯỚNG DẪN LẮP ĐẶT VÀ VẬN HÀNH MÁY BƠM NƯỚC CHẠY ĐIỆN

HƯỚNG DẪN LẮP ĐẶT VÀ VẬN HÀNH MÁY BƠM NƯỚC CHẠY ĐIỆN

 

A- ĐIỀU KIỆN SỬ DỤNG VÀ LẮP ĐẶT BƠM NƯỚC CHẠY ĐIỆN


* Thích hợp cho việc bơm nước sạch và các dung dịch không chứa hóa chất và chất gây cháy nổ ở nhiệt độ tối đa là 900C nếu cánh bơm làm bằng kim loại (Inox, thép, sắt, đồng) hoặc 500C nếu cánh bơm làm bằng nhựa hoặc được lắp thêm một hoặc nhiều bộ khuếch tán.

* Phải được bảo quản ở nơi thoáng gió, nhiệt độ môi trường không được vượt quá 400C
* Bơm có trục roto ngang (trừ model MPV trục thẳng), có chân đỡ. Để đảm bảo an toàn khi lắp bơm nên dùng các lỗ có sẵn trên chân đỡ, không được lắp động cơ dưới thân bơm.

* Không nên khởi động bơm quá từ 5 đến 30 lần trong một giờ, công suất động cơ càng lớn, số lần khởi động càng nhỏ.

B- ỐNG:

Ống nước được lắp vào giá đỡ ống sao cho ống dẫn không truyền áp lực hoặc lực rung lên đầu bơm. Đường kính trong của ống không những phụ thuộc vào chiều dài ống mà còn phụ thuộc vào tốc độ dòng chảy theo thiết kế: Đường kính ống phải đảm bảo sao cho tốc độ dòng chảy không vượt quá 1,4 – 1,5 m/giây ở đầu hút và 2,4 – 2,5 m/giây ở đầu xả. Đường kính không bao giờ được nhỏ hơn đường kính khẩu độ bơm.
Trước khi lắp ống, phải vệ sinh và kiểm tra để đảm bảo bên trong ống luôn sạch sẽ.

ĐẦU HÚT:

* Càng ngắn càng tốt, không có chỗ tắc và không thay đổi hướng đột ngột.
* Phải có vành đệm kín chịu được lực chân không tạo ra trong quá trình hút.
* Phải được lắp cao dần về phía đầu bơm, không bị gấp khúc làm cản trở quá trình mồi của bơm hoặc khiến bơm không thể mồi được.

Để bơm hoạt động, phải lắp van hút. Nếu là bơm tự mồi thì có thể thay van hút bằng van kiểm tra lắp trực tiếp vào khẩu độ hút. Để bơm có thể hoạt động chính xác, đầu ống hút phải ngập dưới nước một khoảng ít nhất là gấp đôi đường kính của ống.

ỐNG XẢ:

Ống xả phải được lắp thêm một van kiểm tra và một van tiết lưu. Van kiểm tra có tác dung bảo vệ bơm tránh khỏi tắc nước và ngăn không cho nước chảy ngược lại cánh bơm khi bơm dừng lại đột ngột. Ngoài ra, van tiết lưu có tác dụng điều tiết dòng chảy.
Lắp đồng hồ đo áp suất vào ống xả. Với bơm tự mồi, ống xả phải có một đoạn thẳng dài ít nhất 10m.

MỐI NỐI ĐIỆN:

Lựa chọn dây điện có kích thước phù hợp dựa trên độ dài và chỉ số cường độ dòng điện ghi trên bơm (1mm2 tiết diện dây dẫn đồng tương đương 5A). Chuẩn bị đầu tiếp đất và đầu nối với nguồn điện sao cho các đầu này không thể tuột ra trong quá trình nối. Việc đấu điện phải do thợ kỹ thuật đảm nhiệm và phải tuân theo các quy định của nước sở tại. Đấu điện theo sơ đồ chỉ dẫn.

Bơm phải được tiếp đất và phải đảm bảo hệ thống tiếp đất luôn hoạt động tốt. Một số model một pha, động cơ điện được bảo vệ bằng một thiết bị có thể ngắt tự động. Động cơ, nếu bị ngắt do hoạt động của thiết bị nhiệt, có thể bất ngờ khởi động lại, do đó phải ngắt điện trước khi bảo dưỡng hoặc sửa chữa bơm. Cả bơm một pha và bơm ba pha nên có tủ thiết bị bảo vệ điện thích hợp (công tắc có đuôi nhiệt…) có thể ngắt động cơ ra khỏi nguồn.

KHỞI ĐỘNG:

Trước khi khởi động bơm, phải kiểm tra để đảm bảo trục của động cơ có thể quay tự do. Một số bơm có một rãnh nhỏ trên đầu trục phía cánh bơm. Khi bơm bị kẹt, tra chìa vặn vít vào rãnh nhỏ này rồi dùng búa gõ nhẹ. Chỉ khởi động bơm khi bơm và ống hút đã chứa đầy nước. Không được cho bơm chạy khô, nếu chạy lâu sẽ bị hỏng phớt bơm, cánh bơm, khoang chia nước dẫn tới cháy động cơ…

Với bơm ba pha, động cơ phải được đặt theo đúng chiều mũi tên vẽ trên thân bơm (Theo chiều kim đồng hồ khi nhìn động cơ từ phía cánh bơm). Nếu động cơ chạy không đúng chiều, phải đảo các mối nối dây dẫn điện từ nguồn. Bơm chỉ được phép hoạt động theo các thông số quy định. Nếu muốn cho bơm hoạt động ra ngoài khoảng quy định, có thể điều chỉnh van cổng trên ống hút hoặc điều chỉnh áp suất của bất kỳ rơ le áp suất nào.

BẢO DƯỠNG:

Máy bơm không cần có bảo dưỡng đặc biệt. Nếu không sử dụng trong thời gian dài, đầu bơm và các ống dẫn nên được làm khô hoàn toàn. Trước khi khởi động lại, bơm phải kiểm tra trục, đồng thời đổ đầy nước vào bơm và ống hút. Nếu vòng bi bị dơ mòn thì phải thay bi mới, hàng năm phải bảo dưỡng toàn bộ phần bơm và động cơ theo định kỳ.

 

B- QUY TRÌNH THỬ TẢI

 

I- VẬN HÀNH VÀ THỬ NGHIỆM

1- Yêu cầu chung

- Chạy thử nghiệm các tổ máy bơm phải có mặt người chịu trách nhiệm chính về lắp đặt chúng.

- Trong thời gian chạy thử tổ máy bơm phải chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của nhà chế tạo về số lần khởi động liên tiếp cho phép của động cơ và khoảng thời gian giữa các lần khởi động.

- Không được tiến hành các công việc trên các tổ máy bơm với các nửa khớp nối trục đã liên kết với nhau khi đã nối mạch với đường dây của trạm biến thế.

- Không được tiến hành khởi động máy bơm khi van ở ống hút đóng, trừ các trường hợp riêng đã được quy định trong các tài liệu chỉ dẫn của nhà chế tạo.

- Chỉ cho phép chạy thử máy không tải khi bê tông trong nhà trạm bơm đã đạt cường độ thiết kế.

2- Chuẩn bị

Trước khi khởi động tổ máy bơm, phải thực hiện các công việc sau đây:

a) Làm vệ sinh bể hút và bể hút đã đựng đầy nước;

b) Lắp đủ các thiết bị và dụng cụ cần thiết cho việc khởi động và thử nghiệm tổ máy bơm;

c) Kiểm tra lượng dầu bôi trơn bằng dụng cụ đo mức dầu;

d) Kiểm tra lại các van và thiết bị bảo vệ;

e) Kiểm tra các thiết bị điện;

f) Kiểm tra lần cuối độ đồng trục của khớp nối;

g) Quay máy bơm bằng tay, trục phải quay dễ dàng;

h) Ngắt bơm ra khỏi động cơ và tiến hành thử không tải để kiểm tra động cơ điện;

i) Đóng bộ nối trục bằng cách cố định các bu lông khớp nối;

k) Mở hoàn toàn van hút (nếu có).

3- Khởi động và dừng tổ máy

3.1- Trình tự khởi động tổ máy:

a) Đóng van xả ngay đầu ống xả. Đối với máy bơm hướng trục, van trên ống xả phải mở hoàn toàn;

b) Đảm bảo động cơ đã sẵn sàng khởi động;

c) Đảm bảo mực nước ở bể hút cho phép vận hành máy bơm;

d) Đảm bảo các điều kiện cần thiết cho vận hành máy như làm kín, bôi trơn, làm mát;

e) Mồi bơm, đảm bảo bơm được mồi đầy đủ;

f) Đóng điện động cơ;

g) Xác nhận áp lực đẩy đạt đến giá trị đã cho sau khi chạy hết tốc độ;

h) Mở van trên ống xả, kiểm tra áp suất đẩy có tương ứng với trị số trong phạm vi vận hành hay không;

i) Quan sát ampe kế lắp trên bảng điều khiển để đảm bảo dòng điện nằm trong vùng giá trị định mức của động cơ đã chỉ ra ở trên tấm biển tên của động cơ.

3.2- Trình tự dừng bơm:

a) Đóng từ từ van trên ống xả (nếu có);

b) Ngắt điện động cơ;

c) Mở van phá chân không (nếu có);

d) Khi máy bơm dừng hoàn toàn thì dừng hệ thống làm kín, bôi trơn, làm mát,…

4- Chạy thử không tải

4.1- Chạy thử không tải để kiểm tra tình trạng tổ máy bơm đã lắp đặt. Trong quá trình chạy không tải, phát hiện và loại trừ các sai sót, khiếm khuyết chưa được phát hiện ở giai đoạn lắp đặt.

4.2- Trong quá trình chạy thử cần theo dõi sự hoạt động của tổ máy bơm, các thông số về tốc độ, độ rung, nhiệt độ, các hệ thống làm mát, bôi trơn... Nếu phát hiện thấy khuyết tật thì dừng máy, tìm nguyên nhân và sửa chữa. Tổ máy chạy thử không tải phải đảm bảo các yêu cầu sau:

a) Chạy êm, không có tiếng gõ và độ ồn dưới 80 đề xi ben (decibel);

b) Trị số dòng điện và điện áp, rò rỉ nước và dầu mỡ bôi trơn... không được vượt quá trị số quy định của nhà sản xuất;

c) Nhiệt độ hộp dầu và bôi trơn không quá 70 0C;

d) Nhiệt độ ổ trục và bề mặt ma sát bộ phận quay không vượt quá 70 0C;

4.3- Chạy thử không tải kết thúc nếu tổ máy làm việc bình thường và ổn định sau 15 phút.

5- Chạy thử có tải

5.1- Thực hiện chạy thử có tải sau khi hoàn thành chạy thử không tải. Chạy thử có tải cho tổ máy làm việc trong hệ thống với lưu lượng và áp lực công tác liên tục trong 1 giờ.

5.2- Trong quá trình chạy thử nghiệm với tải trọng công tác phải theo dõi và ghi lại các thông số kỹ thuật sau:

a) Áp lực hút;

b)  Áp lực đẩy;

c) Cột áp toàn phần;

d) Lưu lượng;

e) Công suất;

f) Nhiệt độ của ổ đỡ máy bơm và động cơ;

g) Độ ồn và độ rung;

h)  Độ rò rỉ nước tại các bề mặt ghép nối;

i) Dòng điện định mức;

k) Nhiệt độ và quá trình làm việc của các thiết bị điện.

5.3- Nếu tổ máy và hệ thống điện làm việc bình thường, các thông số kỹ thuật phù hợp với số liệu trong hồ sơ của máy và máy chạy ổn định đủ 1 giờ thì kết thúc chạy thử có tải.

5.4- Nếu một trong các thông số trên không đạt yêu cầu kỹ thuật thì tìm nguyên nhân và khắc phục cho tới khi đạt.

5.5- Việc khởi động và dừng máy trong quá trình chạy thử phải tuân theo các trình tự đã quy định trong tài liệu chỉ dẫn đi kèm.

II- QUY TRÌNH VẬN HÀNH MÁY BƠM LY TÂM CHẠY ĐIỆN
1. Chuẩn bị

Trước khi khởi động máy bơm lần đầu, những việc chuẩn bị sau đây cần được thực hiện và việc đó cũng áp dụng khi máy bơm phải vận hành sau một thời gian dài không làm việc.

• Xác nhận có chất lỏng đi qua

Bể hút, két hút phải được làm sạch và làm đầy chất lỏng cần bơm. Mỗi ống nối phải được nối kín để đảm bảo vận hành không bị rò rỉ.

• Kiểm tra các chất bôi trơn

Lượng các dầu bôi trơn phải được kiểm tra bằng dụng cụ đo mức dầu, thiết bị dẫn động cũng phải được kiểm tra tương tự.

• Xác nhận về nguồn năng lượng

Đối với các máy bơm dẫn động bằng động cơ điện, phải chuẩn bị đầy đủ dây cáp và nguồn điện. Các thiết bị bảo vệ cần phải được kiểm tra để đảm bảo hoạt động tốt.
• Thiết bị và dụng cụ phụ trợ

Mọi thiết bị có liên quan phải được xác nhận là hoạt động chính xác
• Vận hành thử

Chạy thử động cơ điện và vận hành thử máy bơm phải được tiến hành theo thứ tự sau đây:
+ Kiểm tra cuối cùng của độ đồng trục của bộ nối trục (Các bulông phải luôn được phanh để tránh bị nới lỏng )

+ Điều chỉnh các đệm khít và quay tay máy bơm (Trục máy bơm phải quay được bằng tay một cách dễ dàng)

+ Xác định sự liên hoàn khi khởi động, nếu được trù tính trong tủ điều khiển
+ Kiểm tra chiều quay của động cơ gốc phù hợp với chiều quay của bơm (Chiều quay của động cơ cảm ứng 3 pha có thể được thay đổi bằng việc thay đổi 2 trong các đầu nối)
+ Chạy hết tốc độ để kiểm tra động cơ gốc khi ngắt ra khỏi máy bơm

+ Đóng bộ nối trục bằng cách xiết cố định bulông nối trục

+ Mở hoàn toàn van hút (nếu có)

+ Sau khi đã thực hiện các bước cần thiết theo yêu cầu khởi động thông thường, vận hành thử của bơm được làm bằng cách mở và đóng nguồn điện trước khi bơm đạt được vận tốc toàn phần để kiểm tra xem động cơ quay có đúng không.
2. Khởi động và dừng

Thực hiện việc khởi động và dừng phải theo những trình tự đã được quy định. Trong trường hợp có lắp đặt thiết bị điều khiển liên tục, trình tự được đảm bảo một cách tự động. Trong những trường hợp bình thường, trình tự sau đây phải được thực hiện:
+ Xác nhận van đẩy đã hoàn toàn đóng (Đối với các máy bơm có dòng hướng trục, van đẩy phải được mở hoàn toàn)

+ Xác nhận động cơ đã sẵn sàng khởi động

+ Xác nhận cao độ hay áp lực chất lỏng ở nơi hút là bình thường.

+ Khởi động và xác nhận độ bịt kín, bôi trơn và làm lạnh cần thiết

+ Mồi nước bằng bơm chân không nếu có lắp đặt trên tổ máy

+ Xác nhận máy bơm đã được mồi nước đầy đủ

+ Đóng điện động cơ

+ Xác nhận áp lực đẩy đạt đến giá trị cho phép sau khi chạy hết vận tốc

+ Mở van đẩy và kiểm tra áp lực đẩy xem có ứng với các trị số trong phạm vi vận

 hành hay không.

TRÌNH TỰ DỪNG

+ Đóng hoàn toàn van đẩy (đối với các máy bơm có dòng chảy hướng trục phải giữ van đẩy hoàn toàn mở )

+ Ngắt điện động cơ

+ Sau khi làm máy bơm dừng hoàn toàn, thì dừng hệ thống bịt kín, bôi trơn,...

Khi máy bơm ngừng làm việc một thời gian dài, có thể khoảng hơn 1 tháng, cần thực hiện những công việc sau:

+ Tháo hết chất lỏng bên trong máy bơm

+ Nới lỏng các đệm khít

+ Bôi chất chống rỉ lên những bề mặt hở của máy

+ Chạy bộ sấy nóng cho môtơ nếu có lắp trên máy để duy trì cho tổ máy bơm khả

năng hoạt động bình thường. Yêu cầu phải vận hành tổ máy bơm sau từng thời gian ngắn, một lần một tháng.

Nếu có lắp một tổ máy bơm dự phòng thì việc bảo dưỡng định kỳ bằng cách cho chạy sau từng thời gian. Yêu cầu các thiết bị chính và dự phòng phải được luân phiên vận hành để đảm bảo niên hạn sử dụng như nhau cho cả hai.

3. Ghi chép

+ Việc ghi chép hàng ngày về vận hành một máy bơm sẽ rất có lợi để giữ cho máy hoạt động tốt bằng việc quan sát các điều kiện vận hành và kiểm tra những sự thay đổi.
+ Việc chuẩn bị bảo dưỡng và thay thế các phụ tùng có thể hoàn thành tốt nhờ việc phát hiện sớm những tình trạng không bình thường khi có sự cố xảy ra. Những ghi chép sẽ rất có ích trong việc xác định nguyên nhân.

         Nhờ quan sát chiều hướng tiêu thụ năng lượng so với nhu cầu, bất cứ sự thay đổi nào trong đặc tính máy bơm do hao mòn các bộ phận bên trong đều có thể được phát hiện.

         Kiểm tra và ghi chép phải được thực hiện định kỳ với khoảng cách từ 1 đến 4 lần trong một ngày tùy thuộc vào chủng loại và việc sử dụng của máy bơm.

Mọi ý kiến có thể hỏi về Công ty Thiết bị Hồng An được tư vấn miễn phí theo phone: 0934150490 hoặc 0225.3540007/3824725. Email: ha@honganhp.vn hay tnt@honganhp.vn

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

HƯỚNG DẪN LẮP ĐẶT VÀ VẬN HÀNH MÁY BƠM NƯỚC CHẠY ĐIỆN

Đối tác

Len dau trang
© Copyright © 2018 . All rights reserved