“TÌNH QUÊ MIỀN ĐẤT TRẠNG” VỚI HỒN THƠ LẮNG ĐỌNG THẮM NỒNG

“TÌNH QUÊ MIỀN ĐẤT TRẠNG” VỚI HỒN THƠ LẮNG ĐỌNG THẮM NỒNG

.

     Tôi là người nghiên cứu về vùng đất và con người ven biển của 15 quận huyện thuộc thành phố Hải Phòng và đặc biệt là mảnh đất Vĩnh Bảo. Rồi vào năm 2021 đứa con tinh thần của tôi ra đời được mang tên “Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm – Cội nguồn và Khai sáng”. Đây là tập khảo cứu và tản văn khá công phu với những tư liệu quý hiếm, làm sáng dậy nhiều điều kỳ bí, sinh động và lý thú về Danh nhân Văn hóa Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng như toàn bộ vùng đất Vĩnh Bảo có liên quan dính líu, mà lần đầu tiên được công bố. Vì vậy khi biết các anh chị trong Ban Chủ nhiệm đã lập trang mạng “Tình quê miền đất Trạng”, tôi rất lấy làm vinh hạnh và hoàn toàn tán thưởng.

     Thật bất ngờ, quý 4 năm 2019, tập thơ “Tình quê miền đất Trạng” được ra đời với 165 bài thơ của 100 tác giả ở khắp cả nước và ở một số châu lục khác. Trong số các tác giả trên phần lớn là người quê Vĩnh Bảo hay những người quan tâm tới mảnh đất Trạng Trình. Ngoài một số Hội viên Hội Nhà văn cấp tỉnh thành ra, thì còn lại hầu hết là những tác giả không chuyên, nhưng hết lòng với thơ ca. Lúc nhận được tập thơ, tôi đọc liền một mạch với bộn bề cảm xúc khác nhau và thật ngạc nhiên về nội lực sáng tác, sự sẻ chia, giãi bày của từng cá nhân, đã tạo ra sự khác biệt so với các tập thơ của những câu lạc bộ khác.

       Ở “Tình quê miền đất Trạng”, ta thấy sự tinh tế trong sở trường sở đoản của các tác giả, đã làm nên những điều bất ngờ trong thi phẩm. Chủ đề chính của tập thơ này là viết về quê hương, thế sự, tình đời, tình người và Danh nhân Văn hóa Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm...

          Đứng đầu Câu lạc bộ là “Nữ sỹ làng Râu”, xã Giang Biên, bên hữu ngạn sông Thái Bình, hiện đang sinh sống tại châu Âu với 3 thi phẩm đã được xuất bản: “Câu thơ nối vần” xuất bản năm 2005, “Gửi về quê mẹ”“Mùa hoa tuyết” xuất bản năm 2022. Một người con xa xứ, từng phiêu bạt khắp trời Âu với những vần thơ dung dị, nhuần tươi được lan tỏa đến từng ngõ ngách tâm hồn độc giả:

Gọi thầm Vĩnh Bảo quê ta

Lời con gọi mẹ phương xa mỏi mòn

                                  (Với Mẹ)

Hay:

Không đâu bằng đất quê mình

Vầng trăng quê mẹ lung linh cõi hồn

(Vĩnh Bảo quê tôi)

          Những thi liệu sâu lắng bởi một hồn thơ đa cảm, bàng bạc một nỗi buồn của người con xa xứ được phản ảnh qua bài “ Đêm xứ tuyết”:

Đêm nay sóng cuộn mịt mùng

Qua khung cửa nhỏ “tuyết lòng” lạnh rơi.

     Hay qua tâm trạng của tác giả Hoàng Minh Thuận trong bài “Đất Trạng ngày về” với những xúc cảm nhuần thấm, chân thực về mảnh đất quê mình:

Cho dù nước chảy đá mòn

Quê hương đất Trạng trong con muôn đời

     Hay cũng trong bài này, ngôn từ được sáng tạo hơn với câu thơ đầy ngẫu hứng: “Như đò chở cả nắng hè sang sông”...

Nói đến Vĩnh Bảo – Tiên Lãng thì không ai là không biết về loài nhuyễn thể có tên Hán Việt là “đại hỏa trùng”, tên Nôm là rươi, còn dân gian gọi là “lộc giời”, “rồng đất” hay “mủ L... tiên”... được tác giả Nguyễn Đức Viện thể hiện qua bài “Cảm xúc tháng Mười bằng bút pháp khá ấn tượng:

Mình tôi ngồi ấm triền đê

Xem đàn rươi dệt tranh quê... muôn màu

          Hay tác giả Nguyễn Yến Vy với trái tim đa sầu, đa cảm, bằng những chấm phá đứt đoạn đã tạo thành những hình ảnh khá ấn tượng. Sự trần trụi vạm vỡ của ngôn từ đã đẩy thi tứ, thi ảnh chiếm một khoảng không mới lạ:

Lời thề hẹn... mỏng manh... như làn khói...

Em bùi ngùi nghẹn thắt... nửa tim côi

(Mãi đợi anh về )

          Với cấu tứ chân thực, tác giả Nguyễn Xuân Môn ôm chứa nhiều tâm trạng qua bài “Tuổi thơ tôi”, cảm xúc được tãi ra trên cánh đồng thơ:   

Tuổi thơ tôi vắt ngang lưng trâu

Đánh dậm chơi khăng đầu trần chân đất...

Quạt mo cau đuổi chạy quanh nóng gắt

Ổ rơm liều thách thức cả mùa đông...

Hay:

Thì thầm sông nắn đôi bờ

Hẹn tôi xưa với tôi giờ gặp nhau

                                               (Sông Chanh)

          Còn vùng ký ức thiêng liêng của tác giả Phúc Hữu đã tạo được hiệu ứng thẩm mỹ cho độc giả ở bài thơ 5 chữ “Em có nghe mùa thu” với nhạc tính hiền từ, màu thơ rặm ruội:

Em có đi chợ đêm

Nghe rì rầm sông Rế

Bao năm rồi vẫn thế

Một sắc màu An Dương

Hay trong bài “Bóng xưa” của Lan Linh với những xúc cảm gợi còn đọng lại trong lòng bạn đọc:

Lục bình lạc bạn giữa mênh mông chiều

          Cũng khai khẩn trên cánh đồng ngang dọc sáu tám ấy, nhưng người chủ nhiệm Câu lạc bộ thơ lục bát Hải Phòng là Trịnh Toại đã có câu thơ đầy tâm trạng và hàm chứa nhiều âm hưởng truyền thống:

Cánh cò cõng nắng chơi vơi

Chở chiều, chở cả tình tôi với làng

                                                          (Ráng chiều)

      Còn khá nhiều tầng vỉa về thế thái nhân tình, về quê hương đất nước,... được các tác giả thể hiện trong các cung bậc cảm xúc khác nhau. Những day trở, suy tư được lật soi qua từng con chữ với nhiều câu nghi vấn giả định, chất vấn nội tâm, mang tới cho người đọc những câu thơ hàm súc và sâu lắng hơn như ở các bài: “Thì thầm tiếng đêm” của Phạm Thắm, “Làng tôi” của Tôn Duy, “Mùa rươi” của Bùi Quang Lục, “Ký ức dòng Thạch Hãn” của Vũ Huy Dũng, “Có một tháng Tư” của Nguyễn Vũ Bản, “Mùa đông” của Lâm Quang Hiệp, “Ai bảo em” của Vũ Sơn, “Hoài niệm phố” của Chu Cẩm Sơn, “Phố quê” của Vũ Hùng, “Đò Ngang” của Thanh Phương, “Em ơi thu đến” của Vũ Văn Cầu, “Mẹ Yêu” của Phạm Khang, “Em có về” của Hồng Giang, “Đời riêng mẹ tôi” của Nguyễn Đình Bầu, “Ngóng quê” của Thủy Giang, “Nhắn nhủ” của Nguyễn Thị Hệ, “Ký ức sông Chanh” của Nguyễn Văn Cương, “Ký ức chiều vơi” của Hoa Thành, “Tìm xưa” của Trần Tích Thiện, “Ừ thì” của Lê Thị Tâm Chung, “Về đồng cói” của Trịnh Toại.v.v.

          Dẫu gì chăng nữa, đây là tập thơ của câu lạc bộ gồm những tác giả không chuyên, nên còn một vài điều đáng quan tâm về cách lập ý, lập tứ, về ngữ nghĩa hay còn rậm lời... Mong rằng các tác giả hãy trao đổi sâu rộng hơn với nhau, với các câu lạc bộ khác để hồn thơ mãi mãi lắng đọng thắm nồng. 

     Xin chúc dòng chảy thi ca của Câu lạc bộ “Tình quê miền đất Trạng” ngày thêm đa dạng và phong phú hơn. Chúc các tác giả có nhiều câu thơ đẹp, nhiều thi phẩm hay trên chặng đường sáng tác tiếp theo của mình, như thi sỹ Rasul Gamzatovich Gamzatov người Nga từng nói: “Thơ không phải là hoa trong chậu cảnh. Ở đó tất cả đều hiện ra trong mắt anh, mà anh không cần phải tìm đâu thêm. Thơ giống như hoa trên đồng nội, trên rặng núi An-pơ, nơi mỗi bước đi lại hứa hẹn thêm một bông hoa mới, kỳ diệu hơn”.

 

Hải Phòng, Xuân Quý Mão

Thi An

 

Các tin liên quan

Đối tác

Len dau trang
© Copyright © 2018 . All rights reserved