LÀNG MÕ CÓ TỪ BAO GIỜ?

LÀNG MÕ CÓ TỪ BAO GIỜ?

.

      Mụ Xá (厙) hay còn gọi là Mỗ Xá, có nghĩa là trang Mụ hay trang Mỗ, mà tên Nôm là Mõ, nôm na gọi là “làng Mõ”, nằm sát tả ngạn cửa Úc Hải, thời Trần (1225 – 1400) thuộc huyện An Lão cổ, châu Đông Triều, phủ lộ Tân Hưng, quốc gia Đại Việt. Thời thuộc Minh (1407 – 1427) thì phủ Tân Hưng đổi thành Tân (Yên) An, Giao Chỉ. Tới đầu thời Lê sơ thì “nghề làm mõ” ra đời, nên địa danh này đổi sang tên mới là xã Nghi Dương (宜陽社), có nghĩa là “mảnh đất phía Đông thuận hòa”, hay “mảnh đất phía mặt trời thích nghi”, thuộc huyện An Lão cổ, phủ Kinh Môn, lộ Nam Sách Hạ.

      Vào năm Quang Thuận thứ 10 (1469) đời vua Lê Thánh Tông, thì huyện An Lão cổ tách làm hai, nửa trên phía Tây Bắc vẫn giữ tên An Lão, còn nửa dưới phía Đông Nam giáp biển mang tên Nghi Dương. Theo cách đặt tên truyền thống, thì huyện lỵ đặt ở xã (đơn vị hành chính cấp làng gồm 25 hộ gia đình) nào, thì huyện đó mang tên theo địa danh ấy. Ví như, huyện lỵ được đặt xã An Dương, nên huyện này mang tên An Dương. Hay huyện lỵ được đặt tại xã Thủy Đường, nên huyện này mang tên Thủy Đường (sau là Thủy Nguyên). Hay huyện lỵ được đặt tại xã Yên Hưng, nên huyện này mang tên Yên Hưng (Quảng Yên)…  

       Theo bản kê thần tích của hương Lý – Kỳ mục xã Nghi Dương, tổng Nghi Dương năm 1938, thì mảnh đất nơi đây từ xa xưa thuộc trang trại ven biển do Công chúa Thiên Thụy (chị vua Trần Nhân Tông) khai khẩn, có ngăn đê nước mặn. Sau đó Công chúa Thiên Thụy rũ bỏ kiếp hồng trần, dựng chùa tại mảnh đất tả ngạn cửa Úc Hải (nay là Văn Úc) này đi tu. Sau khi bà mất, thì cư dân nơi đây gọi bà với cái tên thân thương, kính trọng là Mụ. Từ Mụ () có thể đọc là Mỗ hay Lão, nghĩa là “bà Tiên”, còn tên Nôm là Mõ. Do vậy mảnh đất tả ngạn cửa biển nơi đây lúc đầu được gọi là trang Mõ.

.

      Hay tại mảnh đất bên hữu ngạn sông Xuân Úc (sau này là Văn Úc) có xã An Mỗ (安), huyện Bàng Hà, châu Nam Sách, phủ lộ Lạng Giang, nay là thôn An Mỗ, xã Tiên Cường, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng. Hay tại Mỗ Xá (姥厙), tức trang Mỗ ở ngoại thành Thăng Long, sau này tách thành hai là Thượng Mỗ (上姥) và Hạ Mỗ (下姥), nay là xã Thượng Mỗ và xã Hạ Mỗ, thuộc huyện Đan Phượng, Hà Nội, quê hương của Danh nhân văn hóa Trung Tiết vương - Thái sư Tô Hiến Thành. Hay tại Mỗ Xá (姥厙), tức trang Mỗ, sau này là xã Mỗ Xá (姥舍), nay là thôn Mỗ Xá, xã Phú Nam Vang, huyện Chương Mỹ, Hà Nội vẫn còn nhiều địa danh mang tên Mụ như chùa Mụ, chợ Mụ và cầu Mụ... Hay tại xã Hậu Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An ngày nay còn làng mang tên Mõ và ở đó có siêu thị Mõ, đền Mõ… Hay tại cố đô Huế có chùa Linh Mụ (tên khác là Tiên Mụ), nghĩa là chùa “bà Tiên linh thiêng”.v v. Như vậy tất cả các địa danh hay đền chùa mang tên Mụ hay Mõ đều không niên quan gì đến “tiếng gõ mõ” hay “nghề làm mõ” cả.

      Trong đó, một số số sách báo xuất bản thời nay ghi chùa Mõ, hay đền Mõ ở huyện Kiến Thụy là do Công chúa Quỳnh Trân dựng một quán bên cạnh ấp và bảo với nô bộc rằng: “Các ngươi nghe hiệu lệnh của ta bằng tiếng mõ để đi làm hay về nghỉ. Nếu trong ngày, hễ nghe tiếng mõ ở chùa thì về ăn uống, nếu nghe tiếng mõ ở quán, thì có công việc… Ngay cả khi nạn trộm cướp xảy ra, tiếng mõ dồn dập cũng là hiệu lệnh tập họp khẩn cấp của dân làng”… Các lập luận trên đều chưa có sức thuyết phục.

       Nếu nhìn vào địa hình huyện Nghi Dương cổ, ta thấy phần đồi núi có từ rất xa xưa, còn phần đồng bằng địa danh này cũng chỉ được hình thành sau công nguyên và chủ yếu từ thời thuộc Đường (năm 618) trở lại đây. Thậm chí có những vùng bên hữu ngạn sông Lạch Tray mới hình thành trong thế kỷ XX. Đầu thế kỷ XX lập thêm 2 tổng Tư Sinh và Tư Thủy, hay vào những năm 80 thế kỷ XX lãnh đạo thành phố Hải Phòng chỉ đạo đắp đê lấn biển khu vực đường 14 và sau đó thành lập được thêm 2 xã là Hải Thành và Tân Thành. Theo tương truyền, để nhớ tới công lao của ông Đoàn Duy Thành, nên 2 địa danh trên mới được đặt tên vậy.

      Theo thời gian địa giới hành chính các địa phương có nhiều thay đổi, ngay “làng Mõ” ngày trước bây giờ cũng không phải địa giới làng Nghi Dương thời nay. Mảnh đất nơi đây từng là trung tâm huyện lỵ Nghi Dương. Còn địa giới huyện Nghi Dương ngày trước, bây giờ cũng có điều chỉnh nhiều về địa giới. Vì thế lịch sử hành chính của làng Nghi Dương phụ thuộc vào huyện Nghi Dương và huyện Nghi Dương từ năm Quang Thuận thứ 10 (1469) trở về trước phụ thuộc vào huyện An Lão. 

       Còn từ năm Quang Thuận thứ 10 (1469) là một trong bảy huyện (Giáp Sơn, Đông Triều, Kim Thành, An Dương, Nghi Dương, Thuỷ Đường và An Lão) thuộc phủ Kinh Môn, thừa tuyên Hải Dương. Năm Hồng Đức thứ 21 (1490) thừa tuyên này đổi thành xứ Hải Dương. Năm Hồng Thuận thứ nhất (1509) đổi thành trấn Hải Dương.

      Thời Mạc (1527 – 1592) Nghi Dương là trung tâm của Dương Kinh (gồm phủ Thuận An ở Kinh Bắc và các phủ Khoái Châu, Tân Hưng, Kiến Xương, Thái Bình, đạo Sơn Nam) vì huyện có xã Cổ Trai là quê của Mạc Thái Tổ. Thời Lê trung hưng (1533 – 1788) Nghi Dương thuộc phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương. Thời Tây Sơn (1778 – 1802) huyện Nghi Dương thuộc phủ Kinh Môn, trấn Yên Quảng. Tháng 5 năm Canh Thân, niên hiệu Gia Long thứ nhất (1802), thì vua Gia Long trả phủ Kinh Môn từ trấn Yên Quảng về trấn cũ Hải Dương và huyện Nghi Dương thuộc phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương.

 Tới đầu thời Nguyễn huyện Nghi Dương có 12 tổng với 57 xã, thôn, phường (trong đó, xã là đơn vị hành chính cấp làng với 25 hộ gia đình, còn thôn là đơn vị hành chính nhỏ hơn). Còn theo sách “Đại Nam nhất thống ch픓Đồng Khánh địa dư chí, thì vào năm Minh Mạng thứ 18 (1837) phân phủ Kiến Thụy được thành lập, tách từ phủ Kinh Môn và từ năm Tự Đức thứ 5 (1852) chính thức thành phủ Kiến Thụy.

       Danh từ Kiến Thụy phủ (府), tức phủ Kiến Thụy, có nghĩa là “tạo lập vùng đất tốt lành” và đến năm Tự Đức thứ 5 (1852) thì phủ này kiêm các huyện là An Lão, Nghi Dương, An Dương và Kim Thành. Vào thời Đồng Khánh (1886 - 1888) thì huyện Nghi Dương có 12 tổng (Nghi Dương, Trà Hương, Cổ Trai, Đại Lộc, Nãi Sơn, Đồ Sơn, Sâm Linh, Đại Trà, Tiểu Trà, Phúc Hải, Đống Khê, Lão Phong) với 59 xã thôn. Riêng tổng Nghi Dương gồm 5 xã là Xuân Dương, Nghi Dương, Mai Dương, Du Lễ, Tú Đôi.

      Theo bản đồ huyện Nghi Dương thời Đồng Khánh (1886 – 1888) và trang 142 sách “Đồng Khánh địa dư chí”, thì toàn huyện Nghi Dương có 5 đền miếu (di tích) được xếp hạng gồm:

  1. Đền thờ A Nàng Quỳnh Trân thời Trần tại xã Nghi

Dương, tổng Nghi Dương, nay thuộc xã Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy.

  1. Đền thờ thần Đông Hải và Nam Hải ở hai xã Cao Bộ

(nay thuộc xã Đại Hà) và xã Tiểu Trà (nay phường Trần Hưng Đạo, quận Dương Kinh).

  1. Đền thờ Ngô Quản Lĩnh ở thôn Đông Tác, tổng Đại Lộc,

thời nay thuộc xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy

  1. Đền thờ Hùng Trấn Tước Điểm, tức Thủy thần Đồ Sơn

(núi Tháp), nay thuộc phường Ngọc Xuyên, quận Đồ Sơn.

  1. Văn Miếu Xuân La ở xã Xuân La, tổng Trà Hương, nay

thuộc xã Thanh Sơn, huyện Kiến Thụy

       Vào ngày 11 tháng 09 năm 1887 tỉnh Hải Phòng được thành lập gồm ba huyện là Nghi Dương, An Lão, An Dương và Cảng Hải Phòng (gồm cả bốn xã bên tả ngạn sông Cấm của huyện Thủy Đường, sau là Thủy Nguyên). Phần còn lại của huyện Thủy Đường gia nhập “ngôi nhà chung” Hải Phòng vào khoảng từ năm 1888 đến năm 1891. Năm 1893 thì huyện Tiên Lãng được cắt từ tỉnh Hải Dương về nhập vào “ngôi nhà chung” Hải Phòng. Ngày 31 tháng 01 năm 1898 thành phố Hải Phòng (phần nội đô) tách khỏi tỉnh Hải Phòng và tỉnh này đổi tên thành tỉnh Phù Liễn, năm 1906 tỉnh Phù Liễn đổi tên thành tỉnh Kiến An. Sau cách mạng tháng 8 năm 1945 thì phủ Kiến Thụy đổi thành huyện Kiến Thụy. Còn thời nay thì làng Nghi Dương xưa thuộc xã Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng.

NGỌC TÔ

 

 

 

 

 

 

Các tin liên quan

Đối tác

Len dau trang
© Copyright © 2018 . All rights reserved