ĐÒ DỌC VĨNH BẢO
PHẦN 5: ĐÒ DỌC VĨNH BẢO
(Bút ký của Ngọc Tô)
Nhớ lại thời ấu thơ, vào đầu những năm 60 thế kỷ XX, tôi theo ông Tô Văn Thao là người trong dòng tộc đi giỗ tổ ở làng chạm bạc Đồng Xâm, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Mấy ông con phải cuốc bộ từ mảnh đất Nội Tạ bên tả ngạn sông Hóa đến Ngã Tư Môi trung tâm huyện Phụ Dực, tỉnh Thái Bình và bắt xe về thị xã Thái Bình. Từ đây chúng tôi xuống thuyền theo sông Trà Lý xuôi về phía cửa biển chừng mười lăm cây số thì cập bến Đồng Xâm. Thời ấy đò dọc là chiếc thuyền gỗ cũ kỹ dài chừng dăm bảy mét với chiếc buồm nâu và hai người lái. Chiếc thuyền gỗ này với dáng vẻ khá đơn giản, ngày ngày cần cù bơi trên dòng sông thơ mộng nơi đây. Nếu thuận buồm xuôi gió, thì sau chừng hai giờ đồng hồ chúng tôi đã có mặt tại quê, còn vào mùa ngược gió thì chắc sẽ mất khá nhiều thời gian. Có một điều rất lý thú là hành khách được chiêm ngưỡng vẻ đẹp hút hồn của con sông có lịch sử lâu đời và vùng đất hai bên tả hữu mà mình vừa qua. Cuộc hành trình trên sông nước, chúng tôi bắt gặp khá nhiều điệu hò Bắc Bộ ấn tượng với những vần thơ mượt mà, hay câu ca dao khá dí dỏm, nhưng thật ngọt ngào đằm sâu và đầy day trở. Trong đó có hai câu còn đọng mãi trong tôi đến tận bây giờ:
“Đò dọc rồi lại đò ngang
Có đi anh đợi có sang anh chờ
Đây là đò “Thực” không phải đò “Mơ”. Cái tên đò dọc hay đò ngang này, được thể hiện sự tinh tế trong cảm xúc bởi con thuyền chở khách theo hành trình dọc dài có giới hạn nào đó, hoặc chỉ từ hữu ngạn sang tả ngạn sông hồ và ngược lại. Theo nghiên cứu của các nhà văn hóa dân gian, thì hầu hết các xã (làng) cổ ven sông chính bao bọc huyện Vĩnh Bảo đều có đò ngang và qua năm tháng trong quá trình phát triển kinh tế, hay mở mang thực địa của từng địa phương, một số đò ngang bị “khai tử”, hay sát nhập với các đò ngang làng tổng kế bên.
Còn lịch sử đò dọc được ra đời sau đò ngang một thời gian ngắn. Phần lớn việc di chuyển người và hàng hóa thời cổ đều bằng đường thủy, do vậy đò dọc đã ra đời từ rất xa xưa. Lúc đầu người ta làm thuyền bằng những cây gỗ hay mương tre ghép vào nhau thành bè, sau làm bằng tre đan, rồi ván gỗ và từ thế kỷ XX trở lại nay làm bằng sắt thép hay các vật liệu khác… Thời gian đầu đò dọc, hay đò ngang đều phải dùng sức người đẩy sào, chèo tay hay dùng sức kéo. Về sau những người “chèo lái” đò dọc dựa vào sức gió, họ sáng tạo ra những cánh buồm và bánh lái để di chuyển theo ý muốn. Còn thời nay, những con tàu sông biển chạy liên huyện, liên tỉnh ta có thể coi như đó là “đò dọc”. Đặc biệt vào những ngày lễ hội, ta thường gặp những điệu múa, câu hò ngân vang của người trên bờ, kẻ dưới nước thật nồng ấm mê say. Có khi chỉ thoáng qua chưa hết câu đối đáp, thì đò đã đi xa và nỗi lòng mong đợi nhớ nhung. Và những chuyến đò dọc chạy bằng thuyền gỗ tại khu vực này vào những năm 60 – 70 thế kỷ XX dần dà chỉ còn trong ký ức. Thay vào đó là những chiếc tàu khách được chế tạo bằng kim loại, hay vật liệu mới, được chạy bằng động cơ nổ. Ví như tàu chở khách xuôi và ngược từ Hải Phòng qua sông Văn Úc, rồi qua sông Mới huyện Tiên Lãng về bến Quý Cao, bến Ninh Giang và tới bến Trại huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương…
Trước đây toàn huyện Vĩnh Bảo có ba bến đò dọc chính: Thứ nhất là bến Đông Lôi – Hới, từ khi công trình Bắc Hưng Hải ra đời thì chuyển về bến Tranh nằm ở bên tả ngạn sông Luộc, nay thuộc thị trấn Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Bến thứ hai là Mét – An Thổ, vì từ khi huyện Vĩnh Bảo được thành lập (1838), huyện lỵ đóng tại tổng An Bồ nên nhu cầu đi lại của người dân và quan lại là rất cần thiết. Hành khách theo sông Luộc từ bến đò Mét ngược lên ngã ba Hới, rồi rẽ phải ngược lên phía Tây theo sông Hà Hải qua ngã ba Thúy, ngã ba Suốt, ngã ba Kinh Câu tới huyện Gia Lộc… hay tới tỉnh lỵ Hải Dương hoặc tới Thăng Long. Vào những năm ba mươi của thế kỷ XX khi quốc lộ Mười bắt đầu hoạt động, thì bến đò dọc ở Mét – An Thổ được di dời một đoạn về phía Nam chừng gần hai cây số là bến Lác - Quý Cao. Và bến thứ ba là Cống Hiền thuộc vụng cửa biển, sau là sông Dương, tiếp theo đổi thành Bạch Đà, nay thuộc địa phận xã Cộng Hiền, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Theo trang 92 “Từ điển Bách khoa Địa danh Hải Phòng”, thì từ thế kỷ XIV đến thế kỷ XVII, nơi đây từng là tiểu cảng thương mại sầm uất, có nhiều người Hoa sinh sống và kinh doanh. Một số người làm sử ngày nay đã nhầm tiểu Cảng Cống Hiền, tổng Hạ Am, huyện Vĩnh Lại thành tiểu cảng Ngải Am, tổng Ngải Am. Còn thực tế khu vực xã Ngải Am, nay là xã Trấn Dương trước thời nhà Nguyễn (1802 – 1945) vẫn còn là biển cả... và chưa có tài liệu nào chứng minh nơi đây đã từng là cảng biển.
Tuy bến đò dọc Cống Hiền này đã “khai tử” cách nay mấy trăm năm, nhưng nó vẫn in đậm dấu ấn một thời về miền đất cửa biển Vĩnh Bảo… Và nay:
Chẳng còn con đò cũ
Trên dòng đời ruổi rong
Nay chênh chao nỗi nhớ
Trải dọc dài theo sông?
Không một công dân nào tại vùng đồng bằng ven biển Bắc Bộ lại không in sâu trong tâm trí mình về những bến sông, con đò và dòng sông quê thân thương. Đặc biệt với miền đất đồng bằng châu thổ Vĩnh Bảo, thì những dấu ấn về sông nước không thể mờ phai trong tâm hồn từng người con quê hương. Dù có phiêu bạt ở góc bể chân trời nào, làm đến chức vụ gì chăng nữa, thì những con đò và dòng sông quê là những thi liệu ngồn ngộn trong cảm xúc để mỗi một công dân Vĩnh Bảo có thể gửi gắm, thể hiện tình cảm của mình vào trong cuộc sống, trong niềm tin yêu quê hương “Vĩnh Bảo yêu thương. Vĩnh Bảo quê mình”…
Hải Phòng, thu 2023 – hè 2024
N.T
Chú thích:
Hầu hết những câu thơ trong bài là do tác giả sáng tác