“TỪ ĐIỂN BÁCH KHOA ĐỊA DANH HẢI PHÒNG” VỚI QUÁ NHIỀU “SẠN”???

                                                        “TỪ ĐIỂN BÁCH KHOA ĐỊA DANH HẢI PHÒNG” VỚI QUÁ NHIỀU “SẠN”???
.
     

       Là người cầm bút, thực tình tôi không muốn bới những “chuyện đã rồi”, nhưng có khá nhiều bạn đọc góp ý nên phản ảnh để cộng đồng dân cư biết, đặc biệt là các thế hệ trẻ sau này. Lúc viết tập “Hải Phòng – Những trầm tích thời gian”, tôi đã nêu khá chi tiết về các lỗi ở một số sách thời nay như “Địa chí Thủy Nguyên” NXB Hải Phòng năm 2015, Lịch sử Hải Phòng, NXB Chính trị quốc gia Sự thật năm 2021 và đặc biệt là “Từ điển Bách khoa Địa danh Hải Phòng” NXB Hải Phòng năm 1998.
      Nếu như cuốn “Từ điển Bách khoa Địa danh Hải Phòng” được mang tên “Thần tích – Thần sắc và Địa danh Hải Phòng”, thì không có vấn gì phải bàn. Đằng này những tác gia làm từ điển đều có đai đẳng Quốc gia và Quốc tế. Cộng thêm mấy vị Viện sỹ, GS, PGS, Tiến sỹ của quốc gia và Hải Phòng duyệt, sửa và hiệu đính... Đã lấy tên “Từ điển Bách khoa Địa danh Hải Phòng”, thì nội dung sách phải chính xác tuyệt đối. Đằng này vô số địa danh, tên gọi, tên Nôm, tên Hán Việt, thần tích thần sắc,... đến danh sách các nhà khoa bảng của Hải Phòng… với đầy rẫy lỗi sai.
       Tôi chỉ nêu một vài dẫn chứng nho nhỏ để độc giả nhận xét:
      Trang 472 viết về huyện Vĩnh Bảo, ngay cái tên Hán Việt đã viết sai (永宝), có nghĩa là “Báu vật trường tồn”, nếu đúng phải viết (永保), có nghĩa là “Bảo vệ vĩnh viễn”. Tiếp theo, ghi tên Nôm là Lời, tên cũ là Đồng Lợi, Vĩnh Lại. Tức những nhà viết sách này đều khảng định huyện Vĩnh Bảo từ huyện Vĩnh Lại mà ra. Đây thực sự là sự sai lầm nghiêm trọng của người viết sách, bởi vì từ khi huyện Vĩnh Bảo được thành lập gồm 5 tổng của huyện Tứ Kỳ và 3 tổng của huyện Vĩnh Lại. Song lỵ sở của huyện Vĩnh Bảo này từ ngày thành lập (1838) tới nay nằm ở tổng An Bồ, sau di dời về tổng Bắc Tạ, đều thuộc thực địa huyện Tứ Kỳ cũ. Vì vậy ta có thể khảng định là huyện Vĩnh Bảo từ huyện Tứ Kỳ cổ mà ra..
      Hay các địa danh ở huyện Vĩnh Bảo này cũng mắc khá nhiều lỗi như ở trang 434 ghi "Trước năm 1813 xã Tranh Chử thuộc tổng Bắc Tạ, huyện Tứ Kỳ, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương". Từ khai thiên lập địa, làng Tranh Chử này chưa bao giờ thuộc tổng Bắc Tạ và huyện Tứ Kỳ cả. Thực tế từ 1813 trở về trước làng này thuộc tổng Bất Bế, huyện Vĩnh Lại. Hay tiếp theo dòng dưới ghi từ năm 1838 thuộc tổng Bắc Tạ, huyện Vĩnh Bảo. Thực tế từ năm 1900 trở về trước Tranh Chử đều thuộc tổng Bất Bế, huyện Vĩnh Lại. Và làng Tranh Chử mới gia nhập vào ngôi nhà chung huyện Vĩnh Bảo từ năm 1901, tác giả từ điển lấy đâu ra tư liệu từ năm 1838. 
Cũng tại làng Tranh Chử này ghi: "Đình Tranh Chử thờ Thành hoàng Cao Sơn, thời Hùng Vương, làm quan đô chỉ huy sứ tả hữu tướng quân, có công đánh Thục, từng đến Tranh Chử đóng quân". Vị thần Cao Sơn thời Hùng Vương là thần Núi hay Sơn Thần (dân gian gọi là Thiên thần) làm sao lại đến làng này đóng quân được và vào thời Hùng Vương, thì mảnh đất Tranh Chử còn là biển cả. Theo sắc phong năm Khải Định 9 (1924) còn lưu giữ tại làng, vị thần vị này được gia phong là Trác Vỹ Dực Bảo Trung Hưng Cao Sơn Thượng Đẳng thần, tức Dương thần. Đây là thần Cao Sơn thời thuộc Minh (1407 – 1427). Cũng chính từ nội dung Thành hoàng Cao Sơn, thời Hùng Vương trên mà bao luận văn Cử nhân, Thạc sỹ, Tiến sỹ, sách sử... viết về Vĩnh Bảo đều cho là mảnh đất Vĩnh Bảo có từ thời Hùng Vương.
      Hay trang 170 ghi thôn Hạ Đồng xã Cộng Hiền, trước năm 1813 thuộc sở Tây Tạ, tổng Bắc Tạ, huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương. Ở làng Tranh Chử trên, thì tổng Bắc Tạ, thuộc huyện TỨ KỲ, còn tổng Bắc Tạ này lại thuộc huyện VĨNH LẠI? Tại sao?. Hay trang 339 ghi làng Phấn Dũng (nay thuộc phường Hưng Đạo, quận Dương Kinh) trước 1813 lại thuộc tổng Nghi Dương bên tả ngạn sông Văn Úc thế mới lạ. Hay trang 429 ghi làng Trại Sơn nay thuộc xã An Sơn, huyện Thủy Nguyên, trước năm 1813 thuộc tổng Dưỡng Chân, huyện Thủy Đường. Song thực tế từ năm 1888 trở về trước làng này vẫn thuộc tổng Dương Nham (trước là tổng Kính Chủ), huyện Giáp Sơn, phủ Kinh Môn.v.v và v.v.
      Hay trang 324 ghi địa danh thời nay là thôn Nhân Lễ (trước 1945) thuộc tổng Oai Nỗ, nay lại thuộc xã Vinh Quang, huyện Vĩnh Bảo, mà thực tế thuộc xã Vĩnh Long mới đúng. Hay trang 310 ghi thôn Ngọc Đồng, trước 1945 thuộc tổng Hu Trì, nay thuộc xã Đồng Minh, mà sau 1945 thuộc xã Liên Am mới đúng.
      Hay trang 489 ghi làng Xuân Trì, nay thuộc địa bàn xã Hùng Tiến, huyện Vĩnh Bảo… Quê của 2 nhà khoa bảng Lê Tử Khanh… và Phí Vạn Toàn… Tôi có thể khảng định chắc chắn rằng tác giả ở “Từ điển Bách khoa Địa danh Hải Phòng” đã tự sáng tác ra làng Xuân Trì, chứ mảnh đất nơi đây từ thuở “khai thiên lập địa” tới nay chưa bao giờ mang tên Xuân Trì. Và hai nhà khoa bảng trên thuộc làng Xuân Trì, huyện Vĩnh Lại, nay thuộc huyện Ninh Giang tỉnh Hải Dương.
Hay trang 129 ghi "xã Định Vũ, trước 1945 thuộc tổng Trực Cát, huyện Hải An, tỉnh Kiến An. Theo hồ sơ thần tích thời cổ là thôn Định Vũ thuộc tổng Nam Triệu, huyện Thủy Đường" là hoàn toàn chưa chính xác. Thôn Định Vũ thời phong kiến (từ 1945 trở về trước) chỉ thuộc tổng Hạ Đoàn, huyện An Dương. Đây là mảnh đất do phù sa bồi tụ mà có, nên được hình thành vào cuối thời Lê Mạt (1592 - 1788) mà thôi.. Và còn rất nhiều địa danh khác nữa bị nhầm lẫn kiểu như trên nữa…
       Hay nhiều tên Nôm chưa đúng như trang 14 ghi làng An Biên tên Nôm là Cấm, Vẻn. Chữ Cấm (禁) là tên Hán Việt thuộc làng Da Viên, hoàn toàn không phải tên Nôm và làng An Biên chưa bao giờ mang tên Cấm. Trang 193 ghi làng Hoa Chử, tên nôm là Hoa là không đúng, chữ Hoa (花) là tên Hán Việt. Hay trang 129 làng Định Vũ, tên Nôm là Gio là chưa chính xác, vì từ Do (猶) là tên hán Việt, làng này có giáp Do, nên gọi là làng Do, từ lúc nước ta dùng chữ Latinh thì viết là Gio, giống như Da Viên thành Gia Viên mà thôi. Theo nghiên cứu của chúng tôi, thì văn viết là Định Vũ, còn văn nói là Đình Vũ, vì từ khi vua Khải Định lên ngôi, để tránh húy mới gọi là Đình Vũ là vậy. Giống như huyện Cẩm Giàng, văn viết vẫn ghi huyện Cẩm Giang (con sông đẹp), còn văn nói là Cẩm Giàng vì từ lúc chúa Trịnh Giang nắm chính quyền thì mới gọi là Cẩm Giàng.
      Hay trang 122 ghi làng Đẩu Sơn, tên Nôm là Đấu là chưa chính xác, vì chữ Đẩu (斗) có thể đọc là đấu hay ẩu, nên Đẩu Sơn có thể gọi là Đấu Sơn, giống như An Dương và Yên Dương hay Minh Mạng có thể đọc là Mịnh Mệnh hay Minh Mình… Hay nhiều làng mang tên Hoa như Hoa Lâm, Hoa Am… thì ở từ điển này lại ghi thời Đồng Khánh (1886) bị đổi tên, nhưng thực tế vào thời Thiệu Trị (1841) mẹ vua là Hồ Thị Hoa nên mới đổi tên... Hay nhiều địa danh mang tên Tuyền như Ngọc Tuyền, Vạn Tuyền…, sách này cũng ghi vào thời Đồng Khánh (1886) đổi tên, nhưng thực tế vào thời Thiệu Trị (1841), tên vua là Nguyễn Phúc Tuyền nên nhiều địa danh phải đổi tên.

.

.

.

.

Bìa sách mặt trước và mặt sau

.

      Hay trang 241 ghi cửa Kim Hải gần Đồ Sơn, chính là cửa Lạch Tray. Thực tế cửa Kim Hải là cửa biển Thái Bình ngày nay vì con sông ranh giới giữa huyện Tiên Lãng - Vĩnh Bảo trước kia mang tên Kim, còn tên Hàn Giang hay Tuyết Giang chỉ là con sông "Lạnh" do Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm viết ở văn thơ mà thôi... Hay trang 129 ghi cửa Do, thì tác giả lại ghi chính là nói đến chỗ sông Cấm đổ ra biển là hoàn toàn sai. Theo luật, thì cửa Do là từ sông Do đổ ra. Thực tế con sông chảy từ làng Định Vũ (tức làng Do), được gọi là sông Do chảy từ phía Đông Bắc tới phía Đông Nam của huyện An Dương cổ, từ năm 1980 thành phố Hải Phòng làm đập Đình Vũ, sông này bị lấp và cửa Do sát với cửa Nại Hải, sau là Lạch Tray, tức khu vực phía Đông phường Tràng Cát ngày nay.
      Hay các tên sông của Hải Phòng từ thời Đồng Khánh (1886- 1888) trở về trước, thì các tác giả không biết, mà chỉ ghi tên sông ngòi được mang tên ở thế kỷ XX. Ví dụ sông Cấm là con sông từ làng Cấm (tức da Viên) tức từ bến phà Bính hắt xuống phía biển, còn đoạn từ phà Bính ngược lên ngã 3 Nông là sông Kiền Bái. Sông Cấm thế kỷ XX là sông Cấm cũ và sông Kiền Bái cộng lại... Hay sông Nại từ thời Đồng Khánh (1886 - 1888) trở về trước, còn từ 1891 trở lại nay là sông Lạch Tray…
      Hay trang 429 ghi Trạm Bạc là tên gốc của sông Tam Bạc và hồ Tam Bạc hiện nay là sai. Đoạn từ phường Trại Chuối ngày nay ngược tới làng Trạm Bạc xã Lê Lợi mang tên sông Trạm Bạc. Theo nghĩa Hán là bến sông sâu. Còn sông Tam Bạc là đoạn từ phường Trại chuối kéo dài tới sông Cấm dài khoảng 2 cây số. Sông này có sau và Tam Bạc có nghĩa là bến ngã 3 sông (chỗ đập Tam Kỳ).

       Hay trang 41 ghi: "Phà Rừng (xưa có bến Rừng, đò Rừng),,, Gọi Rừng vì hai bên có nhiều rừng nhất..." là hoàn toàn chưa có sức thuyết phục.  Vì sông Bạch Đằng, tên Nôm là Rừng hay Dầng, chứ không phải giải thích theo kiểu có nhiều rừng hay nước lên cao? Hay trang 43 lại ghi nhầm lịch sử hành chính Bạch Long Vỹ, châu Vạn Ninh ở phía Đông Bắc biên giới nước ta ngày nay (từ sau 1887 thuộc Quảng Tây, Trung Quốc) thành đảo "Chim Vành Khuyên" (thế kỷ XX đổi thành Bạch Long Vỹ) nay thuộc thành phố Hải Phòng. v.v.
      Hay trang 198 “Từ điển Bách khoa Địa danh Hải Phòng” Nhà Xuất bản Hải Phòng năm 1998 chép như sau: “Thôn Hoàng Châu còn tấm bia đá “Tư văn ký” tạo dựng năm Tự Đức thứ 15 (1862) có đoạn ghi Phủ Đông Hải, huyện Hoa Phong, tổng An Khoái (sau là tổng Đôn Lương), xã Hoàng Châu có hội Tư Văn, hằng năm vào xuân thu có tế Khổng Tử, nên tạc một bia đá ghi danh sách các nhà hậu Nho kể từ thời Tiền Lê đến thời Minh Mệnh thứ 15 để ở Văn từ hàng xã, đến khi tế lễ thì các người có tên trong bia đó được tế phối hưởng.
       Trong bia đá ghi tên 4 vị giám sinh thời Tiền Lê (tức sau đời Lê Thái Tổ) là Bùi Quốc Hoa, Bùi Thế Trạch, Nguyễn Khắc Ninh, Vũ Tiến Tước và hơn 100 người là sinh đồ từ thời Tiền Lê về sau”. Trong trường hợp này, chúng tôi không quan tâm tới những lỗi sai của văn bia, hay người dịch sai. Nếu như ở văn bia ghi vào năm Tự Đức thứ 15 (1862), thì là huyện Nghiêu Phong thuộc phủ Sơn Định, còn ghi vào năm Minh Mạng thứ 15 (1834), thì là huyện Hoa Phong thuộc phủ Hải Đông, còn không biết tác giả của văn bia này lấy phủ “Đông Hải” từ nguồn nào. Hay vào thời Tiền Lê (980 - 1009), thì chưa có giám sinh. Hay khi dịch từ phiên âm Hán Việt ra tiếng Việt, thì phải viết theo thứ tự từ xã đến tổng, đến huyện, rồi đến phủ… ở câu trên lại viết ngược lại. Đặc biệt đây là công trình của những tác gia có “đai đẳng”, lại phạm những lỗi sơ đẳng viết nhầm lịch sử thời Hậu Lê (1428 - 1788) thành thời Tiền Lê (980 - 1009).
      Hay các Tiến sỹ Nho học của tỉnh thành khác (trang 608, 609), thì lại nhận vào thành phố Hải Phòng như: Lê Tử Khanh, Nguyễn Duy Minh, Nguyễn Đoan Kính, Nguyễn Đình Chính, Nguyễn Tự Cường, Nguyễn Văn Khuê, Nguyễn Văn Bích, Nguyễn Văn Thái, Phạm Đốc Phỉ, Phạm Minh Du, Phí Vạn Toàn, Phùng Bá Kỳ, Trương Đỗ… Hay Tiến sỹ Nho học của Hải Phòng, thì lại quên như Đặng Duy Minh, Nguyễn Bá Tùng, Nguyễn Duy Tinh, Nguyễn Minh Đạt… Và nhiều nhà khoa bảng ghi tên, quê quán chưa chính xác như trang 18 ghi nhà khoa bảng Đỗ Bảo Chân người làng An Dương, thực tế ông người làng Minh Kha, tổng Văn Cú, nay thuộc thị trấn An Dương. Hay Nguyễn Doãn Truân (theo văn bia TS tại Văn Miếu Quốc Tử Giám) lại nghi là Nguyễn Đôn.v.v và v.v
      Hay cùng một Thành hoàng ở làng này thì vào đời Hùng Vương, còn sang làng khác lại ghi thời Hậu Lý (lệch nhau một vài ngàn tuổi) như Thành hoàng Nhân Giả và làng Hà Phương huyện Vĩnh Bảo. Hay Thành hoàng làng Nội Tạ (Vĩnh Bảo) là Ngọc Ngân Công chúa thời Hùng Vương, thì lại ghi là Ngọc Hân Công chúa (vợ Quang Trung). Trong đó những người phục vụ trong 3 triều là Hồ, Mạc, Tây Sơn, thì không bao giờ được các triều đình về sau phong Phúc thần.
      Hay cứ thần Đông Hải Đại Vương, thì sách ghi hầu hết là Tướng quân Đoàn Thượng. Hay Nam Hải Đại Vương, thì hầu hết ghi là Phạm Tử Nghi, đôi khi là Tô Hiến Thành, hay vua An Dương Vương. Hay cứ Tứ Dương hầu thì sách ghi là Phạm Tử Nghi… Thực tế Phạm Tử Nghi không có một sắc phong nào cả, vì ông phục vụ trong thời Mạc, mà triều đình phong kiến về sau cho là ngụy triều. Hay nhà vua, thì không bao giờ là Thành hoàng làng vì người đứng đầu một quốc gia không bao giờ trở thành “Trưởng làng”? Vì thế Ngô Quyền, Hùng Vương, An Dương Vương, vua Mạc… không phải là Thành hoàng làng, mà tác giả ở “Từ điển Bách khoa Địa danh Hải Phòng” ghi là hoàn toàn chưa chính xác. Hay Tô Hiến Thành chưa bao giờ mang tên thần là Nam Hải Đại Vương cả.
      Hay trang 615 trong phần Danh mục một số nguồn tư liệu chính phục vụ biên soạn ghi sách “Đồng Khánh dư địa chí” là chưa chính xác, vì hai từ Đồng Khánh không phải là địa danh, nên phải ghi là “Đồng Khánh địa dư chí” mới đúng. Và còn rất rất nhiều “sạn” khác nữa, mà chúng tôi không thể viết hết.
      Cũng từ cuốn “Từ điển Bách khoa Địa danh Hải Phòng” từ khi xuất bản tới nay là 26 năm (1998 – 2024) có hàng trăm luận án Thạc sỹ, Tiến sỹ và không biết bao nhiêu luận văn tốt nghiệp Cử nhân đã “ra đời”. Thật là “Lợi bất cập hại”?

.
                                                     THI NGỌC

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Các tin liên quan

Đối tác

Len dau trang
© Copyright © 2018 . All rights reserved