BẾN GÓT – CÁI VIỀNG HUYỆN CÁT HẢI (HẢI PHÒNG)
BẾN GÓT – CÁI VIỀNG HUYỆN CÁT HẢI
.
Hẹn nhau ở bến Cái Viềng
Em tìm bến Gót giữa miền không anh
Phận bèo con nước nổi nênh
Nỗi buồn cắc cớ trong luênh loang buồn?
Hằng ngày có không biết bao nhiêu hành khách qua bến sông này, nhưng chẳng ai biết tại sao nó lại có tên là Gót và Cái Viềng. Rồi rất nhiều độc giả trực tiếp hỏi tôi, tại sao nó lại mang tên như vậy? Đây là câu hỏi không dễ dàng trả lời đối với những nhà Hải Phòng học hay Quảng Ninh học, chứ đừng nói gì với những người không sinh sống tại nơi này?
Thời gian vừa qua, tôi tập trung viết về toàn bộ các bến đò dọc và đò ngang nằm ở 15 quận huyện của thành phố Hải Phòng từ cổ xưa tới nay. Có những bến đò đã mất tên từ đầu thế kỷ XX, nhưng chúng tôi vẫn buộc phải tìm ra bằng được. Rồi mới đây khi nghiên cứu về các bến đò dọc và đò ngang của huyện Nghiêu Quan (sau này là Cát Hải), chúng tôi mới thấy khá nhiều điều thú vị.
Trước đây bến đò chính của huyện này là Đôn Lương, tới khi đường liên tỉnh 356 được xây dựng, thì bến phà Gót được đặt tại địa điểm như ngày nay. Theo bản đồ thời Đồng Khánh (1886) của huyện Nghiêu Phong, phủ Nghiêu Phong, tỉnh Quảng Yên, nay là huyện Cát Hải, Hải Phòng. Bên hữu ngạn sông Đồn là phường Cao Mại, tổng An Khoái (thời Đồng Khánh tổng này đổi thành Đôn Lương), huyện Nghiêu Phong, tỉnh Quảng Yên, sau đổi thành Cao Minh, tới thời cách mạng là xã Cao Minh, huyện Cát Hải (1979 thì giải thể) và tại phường chài Cao Mại, tổng An Khoái (Đôn Lương) này có giáp mang tên Gót. Giống như tại làng chài Da Viên, tổng Da Viên, huyện An Dương có giáp Cấm, nay thuộc phường Minh Khai, quận Hồng Bàng (khu vực phà Bính thời nay).
Còn bên tả ngạn sông Đồn có hai cửa từ hai nhánh sông đổ ra sông Đồn, phần thực địa giữa Áng Dài và Phù Long có cửa Cái Dòng Đục (chúng tôi tạm dịch là cửa Nhục), còn dịch chuyển xuống phía Nam giữa Phù Long và Đường Hào (nay là Hiền Hào) có cửa Cái Vinh. Tên Nôm của chữ Vinh là Viềng, nên mới gọi là Cái Viềng.
Từ khi cáp treo Cát Bà đi vào hoạt động, thì bến phà Gót dịch chuyển lên phía thượng lưu sông chừng dăm trăm mét, được mang tên Đồng Bài, vì nó thuộc thực địa xã Đồng Bài, Cát Hải. Còn bên tả ngạn sông Đồn vẫn là bến Cái Viềng, thuộc thực địa xã Phù Long, huyện Cát Hải.
NGỌC TÔ
.