LÀNG AM THỨ MƯỜI BẢY VÀ CHÙA SONG MAI TRUNG AM

LÀNG AM THỨ MƯỜI BẢY VÀ CHÙA SONG MAI

.

          Khi viết về làng cổ Trung Am và khu di tích Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, tôi có bài lục bát và câu kết viết:

Ai giăng rơm rạ tháng mười

Để tôi gỡ rối nửa đời chưa xong.

          Thật đúng như vậy, việc đi tìm làng Am thứ mười sáu và thứ mười bảy tiêu tốn khá nhiều thời gian và sức lực, nhưng “Bỏ thì thương, vương thì tội, tôi đành phải cố gắng hơn để tìm ra lời giải đáp.

Từ thời Lê trung hưng ở lục tổng huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng (nay là khu dưới huyện Vĩnh Bảo) đã có câu: “Thập bát trang Am, sang Nam mất một. Đây là câu ca có thật và hiểu hết ngữ nghĩa của nó thì phía triền Tả sông Hóa (bờ Bắc) có mười bảy làng Am và bên triền Hữu sông Hóa (bờ Nam) có một làng.

          Lúc tìm được làng Am thứ mười sáu là Vạn Am rồi, chúng tôi đồ rằng: Chỉ có Cổ Am mới đủ khả năng về quyền lực và kinh tế để “thôn tính” được làng Am thứ mười bảy còn lại, hoặc vì một lý do đặc biệt nào đó, làng Am kia mới bị mất tên. Thêm vào đó, một nhà giáo có chức sắc quê Vĩnh Bảo, không biết đùa hay thật nói với tôi rằng:

-         Cụ Trạng nói có mười chín làng Am bác nhé?

-         Cảm ơn anh, tôi sẽ cố gắng tìm?

     Cuộc tìm kiếm làng Am thứ mười bảy chẳng khác nào việc “mò kim đáy biển”,

nhưng rồi tia hy vọng cuối cùng chợt le lói. Trong quá trình xem xét, nghiên cứu, đọc các tài liệu cổ, chúng tôi phát hiện ra chùa Mai có từ trước thời Mạc, nằm ở vị trí bìa làng Mai. Đây là một địa danh giáp với làng Trình gần khu vực sinh sống của gia đình Nguyễn Bỉnh Khiêm thời bấy giờ.

Theo Đại Nam Nhất thống chí tập III có ghi: “Ở xã Trung Am, huyện Vĩnh Lại khi Nguyễn Bỉnh Khiêm về trí sỹ làm nhà ở bến Tuyết Giang, biển đề “Quán Trung Tân“, có bài minh và tựa (xem Hoàng liệt văn tuyển) đại lược nói: Trông sang phía đông là biển, trông sang phía Tây là kênh, liếc nhìn về Liêm Khê ở phía Nam thì động biếc Trung Am, thấp cao liên tiếp, cúi vốc nước Tuyết Giang ở phía Bắc thì ánh trăng Hàn Thị (bến Tiền Am hay bến Hàn), tả hữu long lanh, một đường cái nằm ngang ở giữa, tấp nập ngựa xe không biết mấy ngàn dặm“.

          Hoặc trong bài thơ “Ngụ hứng” của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, ông cũng tả nơi ở của gia đình nhà mình:

Phiên âm:

Bán y thôn thị bán nhân hương
Trung hữu tri viên nhất mẫu cường
Am quán trường nhàn xuân bất lão
Giang sơn nhập hoạ bút sinh hương
Thanh lưu tá hưởng cầm thanh nhuận
Cổ mộc lưu âm khách mộng lương
Thặng hý tư văn thiên vị táng
Chí kim hạnh đắc bộc thu dương.

          Dịch thơ (Hữu Thế):

Một bên quê chợ một bên làng
Hơn mẫu vườn ao cũng rảnh rang
Am quán thư nhàn xuân thắm mãi
Giang sơn như hoạ bút sinh hương
Dòng tuôn vang vọng cung cầm được
Bóng cả che râm mộng khách vương
Mừng thấy tư văn trời chẳng bỏ
Đến nay vẫn tắm ánh dương vàng.

       Sau này người vợ thứ ba của Trạng Trình là bà Minh Nguyệt (quê ở Đồ Sơn) bỏ cõi hồng trần đã đến chùa làng Mai kia tu hành. Về vị trí địa lý thì làng Mai và làng Trình sát vách với nhau, nên lúc về trí sỹ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm thường tản bộ tới chùa Mai lễ bái và đã từng trả lời sứ giả Chúa Trịnh với một câu nổi tiếng rằng: “Giữ chùa, thờ Phật thì được ăn oản (ý nói không nên thoán đoạt ngôi Vua nhà Lê)…

       Đoạn sông Thái Bình khi đi qua huyện Vĩnh Lại xưa, nay là đoạn từ qua cầu Đăng tới ngã ba sông Hóa được gọi là sông Hàn hay sông Tuyết (sông lạnh) do Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đặt tên. Nước sông Thái Bình từ thượng nguồn đổ về theo hướng Tây Đông, khi qua làng Mai (xã Liên Am ngày nay) và làng Lũ Đăng (xã Kiến Thiết, Tiên Lãng ngày nay) thì dòng sông bị uốn lượn rẽ ngang gần như một góc vuông chảy về hướng Bắc. Sau đó lại quẹo sang hướng Đông chảy xuống hạ nguồn, khiến cho“Khúc sông bên lở bên bồi. Bên lở thì đục bên bồi thì trong, mà bên lở ở đây là triền Hữu sông Hàn (làng Bích, làng Mai và làng Trình, huyện Vĩnh Lại, nay là khu vực ngoài đê thôn Bích Động, Bái Khê xã Liên Am và thôn Trung Am xã Lý Học), còn bên bồi là triền Tả (làng Lũ Đăng và Thạch Cốt, tổng Hán Nam, huyện Tân Minh, phủ Nam Sách, nay là thôn Nam Phong và Thạch Hào, xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng).

       Trải qua gần thiên niên kỷ, ba thôn (Bích Động, Bái Khê và Trung Am) bên triền Hữu cứ lở dần, còn bên triền tả (thôn Nam Phong và Thạch Hào) được bồi thêm. Chúng tôi lại một lần nữa sang bên thôn Nam Phong 2 và Thạch Hào, xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng để xem lại vị trí sông Hàn thời trước ở vị trí nào. Trước mặt chúng tôi là một diện tích khá lớn mà bà con xã Kiến Thiết, quê hương Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Nguyễn Văn Tùng được “trời ban tặng”. Theo dòng lịch sử thì mảnh đất tổng Thượng Am, tổng Hán Nam mới có từ thời nhà Lý, nên đoạn sông Hàn có tuổi đời khoảng một ngàn năm. Nếu tính từ đê hiện nay phía Tả sông Hàn tới đê cổ ngày trước ước chừng trên dưới một cây số, nên vị trí làng Bích, làng Mai và làng Trình thời nhà Mạc có thể còn kéo dài sang triền Tả sông Hàn hiện nay.

Không có mô tả ảnh.
Bản đồ huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng

       Rồi câu ca “Ba bị chín quai” ở hai địa phương bên triền Hữu cũng như bên triền Tả sông Hàn vẫn được lưu truyền, nghĩa là bên Vĩnh Bảo ba lần bị vỡ đê lũ lụt, còn bên Tiên Lãng chín lần quai đê để nới rộng diện tích, mà thôn dân xã Kiến Thiết gọi vùng đất bồi đó là “diều vịt”, trông giống diều con vịt khi ăn no. Trong khi đó phía bên triền Hữu, cư dân và chính quyền địa phương nơi đây cũng xây dựng hệ thống phòng chống lũ khá chắc chắn bằng đê đất nhiều tầng lớp, nhưng thường xuyên vẫn bị đe dọa.

       Sau khi Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm về trí sỹ một thời gian ngắn thì một loạt các làng Am được đặt: Làng Trình thành Trung Am, làng Mai thành Mai Am (梅庵), làng Tiền thành Tiền Am (nói ngọng thành Chiền Am), làng Lãng thành Lãng Am (nay là Lạng Am), làng Dương thành Dương Am, làng Ngải thành Ngải Am (nay là Ngãi Am)... Các làng có tên gọi với yếu tố Am thường ở vùng trũng, nhiều ao hồ, gần sông lạch. Đây là tên Hán Việt, phiên từ Om hoặc Um, Uôm, không phải tên Nôm. Thế rồi:

Ngày trôi từng phút từng giây

Thời gian vun vút chẳng quay được về

       Sau gần bảy trăm năm, mảnh đất ba làng bên triền Tả sông Hàn bị lở và làng Mai Am vào vị trí xoáy lở mạnh nhất (đáy của hình chữ U). Dân cư làng này di chuyển dần vào phía trong và lần cuối cùng vào những năm cuối của thế kỷ XVII, thời Lê trung hưng, trước cơn đại hồng thủy, tất cả các đê ngăn lũ đều bị vỡ và những hộ dân làng Mai Am còn lại phải di dời sâu vào phía trong đất đầm Bái thuộc làng Liêm Khê (nay là thôn Bái Khê) và làng Trung Am để mưu sinh. Đầm Bái theo nghĩa Hán là là mảnh đất cỏ hoang trũng có nhiều ao hồ khe lạch, những câu ca dao cổ còn được lưu truyền như “Cá rô đầm Bái, con gái Trung Am hay “Bán cá chợ Hôm, đơm tôm đầm Bái… Sau một thời gian ngắn thì cái tên Mai Am bị biến mất.

       Vào thời Lê trung hưng thôn dân Bái Khê (Mai Am cũ) đã xây dựng cho mình ngôi chùa mới ở chỗ đất mới khai khẩn và đặt tên theo chùa cũ là Mai. Còn bên Trung Am, để tưởng nhớ bà Minh Nguyệt thì thôn dân nơi đây cũng xây dựng cho mình ngôi chùa tại vị trí như ngày nay và lấy tên là Song Mai vì làng bên đã có tên Mai.  

       Sau này vì sự cạnh tranh giữa hai làng, có bậc cao niên Trung Am nói ngôi chùa Song Mai ở vị trí ngày nay là do cụ Trạng bỏ tiền ra xây dựng cho bà Minh Nguyệt và cụ trồng hai cây mai trước cổng, nên gọi tên Song Mai là vậy. Nhưng thực tế chùa Song Mai được xây dựng vào dịp giỗ lần thứ 115 của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm và hai từ song mai theo định nghĩa từ điển tiếng Việt là loại mai có hoa màu trắng muốt, ra hoa và kết trái từng đôi nên được gọi là song mai. Và, từ vài chục năm trở lại đây, chúng tôi đã đến chùa Song Mai tham quan nhiều lần, nhưng trước cửa chùa là hai cây mai vàng, giống mai từ miền Nam mới được du nhập vào miền Bắc sau ngày thống nhất đất nước.

       Còn theo chúng tôi hai chữ Song Mai ở đây có nghĩa là song song có hai ngôi chùa Mai. Công trình chùa Song Mai được ông Tổ họ Nguyễn là Nguyễn Như Tiên cùng nhiều nhà hảo tâm khác góp công, góp của, góp sức...để xây dựng chùa và tấm bia đá Thiên đài Song Mai tự dựng năm Chính Hòa thứ 21 (1700) trước cửa chùa là bằng chứng sống. 
.
Hình ảnh có thể có: cây và ngoài trời 
Thiên đài Song Mai tự dựng năm Chính Hòa thứ 21 (1700) 

       Nếu nhìn trên bản đồ huyện Vĩnh Bảo ta thấy sông Hàn qua hai xã Liên Am và Lý Học có hình chữ U. Tại khu vực đáy là làng Mai Am ở giữa, bên phía Tây là làng Bích Động. Còn bên phía Đông là làng Trung Am, nơi sinh sống của các thế hệ gia đình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Rồi vào năm Diên Thành thứ 7 (1585) thì Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm qua đời tại mảnh đất này và đền Bạch Vân cũng được xây dựng tại phía Nam của xóm dân cư này.

       Theo quy luật tự nhiên, mỗi năm bên bờ Hữu sông Hàn thuộc ba làng (Bích, Mai, Trình) đều bị lở, nhưng tốc độ lở hai làng Bích Động và Trung Am chậm hơn, nên thôn dân sinh sống tại nơi đây di dời vào sâu phía trong đê và đến năm Minh Mạng thứ 14 (1833) thì theo lệnh của Bố chánh sứ Hải Dương Nguyễn Công Trứ bắt buộc di dời đền Bạch Vân vào trong làng như vị trí như ngày nay. Bởi vậy sấm Trạng mới có câu:

“Minh Mạng thập tứ

Thằng Trứ phá đền

Phá đền thì phải làm đền

Nào ai đụng đến doanh điền nhà bay”…  

       Qua những chứng tích trên, ta có thể khảng định làng Am thứ mười bảy Mai Am là có thật và câu nói: “Mười tám làng Am, sang Nam mất một là chính xác. Nếu cộng cả làng Thanh Am ở ngoại thành Hà Nội nữa thì Vĩnh Bảo có 19 làng Am và câu trả lời cho nhà giáo quê huyện Vĩnh Bảo đã có lời giải đáp?

           NGỌC TÔ











 

 

Các tin liên quan

Đối tác

Len dau trang
© Copyright © 2018 . All rights reserved