AN TRẤN ĐẠI VƯƠNG

AN TRẤN ĐẠI VƯƠNG

.
       “Mảnh đất vua ban” được mang tên Cựu Điện, nay là thôn Cựu Điện, xã Nhân Hòa, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng, từng trải qua nhiều thăng trầm trong dòng chảy lịch sử - văn hóa của miền quê lúa nước sông Hồng. Thời Tiền Lê mảnh đất nơi đây thuộc trang Cá Chử, châu Đằng còn hoang hóa, đã có những cư dân từ nơi khác tới khai hoang lập ấp. Đến khi Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long thì nhà vua và các “Thiên tử” đời tiếp theo luôn quan tâm tới việc khai khẩn mở mang bờ cõi, đặc biệt là các vùng đất mới ven biển và phát triển lực lượng vũ trang để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ Đại Việt.

       Theo thần phả của “mảnh đất vua ban” nơi đây thì vào đời vua Lý Thái Tông ở trang Vĩnh Thiệu, châu Thiệu Thiên, lộ Thanh Hóa có một gia đình phú nông, người chồng tên là Kim Yến, còn vợ là Nguyễn Thị Kim thuộc dòng dõi thi lễ, hiển đạt. Hai vợ chồng luôn lấy đức làm trọng, thường xuyên giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh, nghèo hèn. Tuy tuổi đã cao, nhưng ông bà vẫn chưa có một mụn con để nối dõi tông đường. Ông chồng thường ca thán rằng: “Với ta núi vàng biển lúa coi khinh như cỏ rác, chỉ có con thảo cháu hiền mới thực sự là ngọc là vàng. Ông liền xuất tiền bạc của mình đi làm phúc, giúp những người nghèo khó, tôn tạo lại những danh lam thắng cảnh, đền, chùa ở nhiều miền quê khác nhau. Một ngày kia ở núi Mộ Dạ, phủ Nghệ An có một ngôi đền rất thiêng, ước gì được đấy, ông bà liền lặn lội tới đây để cầu khấn: “Vợ chồng tôi trên cõi dương gian này thì tiền tài chỉ là phù vân, con cái là quý nhất, mong các ngài phù hộ độ trì, ban phúc lành cho chúng tôi được sở cầu như ý.

        Đêm hôm ấy vào cuối canh ba đang say sưa giấc nồng, bỗng có một một ông già tiên râu tóc bạc phơ, đi từ ngoài vào và nói: “Nhà khanh đức dày, phúc lớn được trời soi xét và ban cho nguyện vọng, khanh chớ có buồn rầu, sau đó đưa cho ông Kim Yến một mảnh giấy với bốn câu thơ:

Vợ chồng lặn lội khắp trần gian

Lời khấn vọng lên tận Ngọc Hoàng

Ngày lành tháng tốt năm Nhâm Ngọ

Quý tử ra đời tướng làm quan?

       Khi ông đọc xong bài thơ thì thần tiên biến mất, tỉnh dậy mới biết là mình vừa trải qua giấc mơ diệu kỳ. Bán tín bán nghi ngay sáng hôm sau vợ chồng ông làm lễ bái tạ. Đêm hôm sau bà vợ thấy dòng sao chảy vào miệng, rồi bà thuật lại với chồng và ông cho  là điềm lành. Liền đó bà mang thai và sau mười ba tháng, đúng ngày 10 tháng 8 năm Nhâm Ngọ (1042) có dải mây hồng phủ trên mái nhà và bà sinh được bé trai kháu khỉnh, khỏe mạnh, thể diện khác thường: Lông mày vua Nghiêu, mắt tựa vua Thuấn. Ông biết là nhân thần xuất hiện, nên càng yêu quý con hơn và đặt tên là An. Khi cậu bé mới một tuổi đã biết lễ nghĩa, nói sõi. Càng lớn An càng thông minh, nên lúc sáu tuổi ông đã mời thày về dạy học cả văn lẫn võ. Năm Kim An 16 tuổi, thiên tư vượt trội, học lực tinh thông, thuộc lòng cả cuốn “Vũ kinh thất thư”.

        Cha mẹ nhờ người mai mối kén vợ cho con trai, nhưng Kim An cũng chẳng màng, chỉ cắm đầu vào học tập và rèn luyện võ thuật. Ngoài ra Kim An còn thích đi chu du thiên hạ, tìm hiểu cuộc sống của thần dân. Năm hai mươi tuổi thì cha mẹ qua đời, Kim An giờ chỉ còn một mình, nên chàng thanh niên này càng ra sức luyện rèn và sau lễ đoạn tang bố mẹ thì gia nhập quân ngũ.

 


Hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người, thực vật, bầu trời, cây và ngoài trời
Tác giả trước miếu Cựu Điện



Hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người, thực vật, cây và ngoài trời
Nhà Hán Nôm Vũ Hoàng trước miếu Cựu Điện


Hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người, mọi người đang đứng, bầu trời, cây, ngoài trời và thiên nhiên
Nhà văn Ngọc Tô cùng Tô Văn Chung và Tô Văn Dũng trong khuôn viên miếu Cựu Điện

     Ngày ấy phía Bắc nước ta, giặc Tống luôn luôn đe dọa xâm lược, còn phía Tây Nam, giặc Chiêm Thành, Chân Lạp quấy phá, nên nhà Lý luôn chú trọng xây dựng lực lượng quốc phòng, sẵn sàng chống lại các thế lực xâm lăng từ ngoại bang. Lực lượng vũ trang thời ấy được tổ chức theo nguyên tắc Thân quân với lực lượng thường trực chuyên nghiệp và Sương quân với lực lượng bán chuyên nghiệp. Kim An được phục vụ trong lực lượng “Ngụ binh ư nông” (lính gửi trong dân) bán chuyên nghiệp…

       Vào năm Thần Vũ thứ 3 (1072) thì vua Lý Thánh Tông đột nhiên qua đời, Thái tử Càn Đức (Lý Nhân Tông) mới 7 tuổi lên ngôi, nên sau đó mọi việc triều chính do Hoàng Thái hậu Ỷ Lan nhiếp chính.

       Lại nói vào thời gian này, quân Chiêm Thành gây loạn, quấy nhiễu vùng biên thùy Tây Nam, đã bị quân dân Đại Việt dẹp yên. Còn trên phía Bắc thì Vương An Thạch cầm quyền chính nhà Tống, tâu với vua Tống là Đại Việt bị quân Chiêm Thành đánh phá, quân còn sót lại không đầy một vạn, có thể tấn công vào thời điểm này là thích hợp. Ngay sau đó chúng chia làm nhiều đạo quân tiến vào biên ải nước ta.

       Nhận được tin cấp báo, vua Đại Việt còn trẻ nên rất lo lắng, liền cho hội quần thần nghị bàn kế sách chống cự lại quân địch. Lúc đó Thái phó Bình chương quân quốc trọng sự Lý Đạo Thành đứng lên tâu rằng: “Bệ hạ có uy đức lớn vượt ngoài bể rộng, có nước giàu, binh mạnh lại có lòng trời phù hộ, Đại Việt thường có các anh tài xuất thế. Nay cử Lý Thường Kiệt làm thượng tướng quân, đem quân tuần phòng các nơi, gây thanh thế cho ba quân và đề phòng bất trắc xảy ra. Mặt khác xuống chiếu tuyển anh tài, mộ hương binh cùng đánh giặc thì bệ hạ còn gì phải âu lo nữa. Thần tự nguyện đảm nhận việc tuyển chọn tướng tài ra trận, giặc Tống bất quá một vài tuần là dẹp xong”.

       Nghe đến đây, vua rất mừng, lập tức hạ chiếu cho các lộ, phủ tuyển mộ anh tài, phong quan tước cho người cầm quân đánh giặc. Nghe theo chiếu gọi, Kim An liền đến ứng tuyển với việc đối ứng lưu loát, văn võ toàn tài, ai cũng ngợi khen, được vua ban chức Hữu Đô đốc chỉ huy sứ. Kim An cúi đầu bái tạ vua và nhận quan tước, lĩnh quân tuần phòng cánh quân Đông Bắc. Nhà vua liền ứng đọc bốn câu thơ:

Ba quân lẫm lẫm tới trùng quan

Muôn dặm ba đào muôn dặm an

Giữ nước thành công danh giá trọng

Việc vua giao phó chẳng từ nan

       Ngay hôm đó Hữu Đô đốc chỉ huy sứ Kim An cho quân khởi hành, cờ lệnh tung bay phấp phới hàng trăm dặm, trên thuyền bè chiêng trống vang dậy cả một vùng. Khi qua khúc hạ lưu sông Thái Bình thấy mảnh đất bên triền Hữu có phong thủy khá tốt, phong cảnh hữu tình, lại có nhiều hồ ao tiện dụng sinh hoạt, ông quyết định lập doanh trại. Các phụ lão và thôn dân nơi đây vui mừng khôn xiết, đã làm lễ đón rước trọng thị. Rất nhiều thanh niên trai tráng quanh vùng xin gia nhập nghĩa quân và riêng trang này đã góp cho nghĩa quân hơn hai mươi lính.

        Cuộc kháng chiến chống giặc Tống được triển khai rất khẩn trương. Triều đình nhà Lý cử tướng Tôn Đản làm chỉ huy cánh quân đường bộ nhằm hướng biên giới Đông Bắc thẳng tiến, còn võ tướng Lý Thường Kiệt chỉ huy cánh quân đường thủy cùng voi chiến từ châu Vĩnh An (nay là Hải Phòng) tiến theo đường biển nhanh chóng chuẩn bị xuất quân.

        Ngay sáng hôm đó, sứ giả triều đình bất ngờ mang mật thư về báo cho Hữu Đô đốc chỉ huy sứ Kim An ngày giờ xuất quân. Đêm hôm sau các chiến thuyền cùng với quân binh, voi chiến của Đại Việt xuất kích theo đường biển nhanh chóng hướng về phía biên giới phía Đông Bắc. Hơn hai ngày đêm thần tốc, cánh quân đường thủy đổ bộ lên đánh ở các châu Khâm, châu Liêm rồi Tông Đản để vây hãm châu Ung. Vào ngày cuối cùng năm Thái Ninh thứ 4 (1075), quân Đại Việt tiến chiếm thành Khâm Châu, bắt toàn bộ quan quân nhà Tống mà không phải giao chiến một trận nào và ba ngày sau Liêm Châu cũng bị thất thủ.

       Trên các mặt trận, quân Đại Việt hoàn toàn làm chủ. Lý Thường Kiệt cho đạo quân ở Khâm Châu và Liêm Châu tiến lên phía Bắc. Còn đạo quân đổ bộ ở Khâm Châu kéo thẳng lên Ung Châu, cách đó chừng một trăm lăm mươi dặm, nhưng phải qua dãy núi Thập Vạn. Còn đạo đổ bộ ở Liêm Châu tiến sang phía Đông Bắc, chiếm lấy Bạch Châu để chặn quân tiếp viện của nhà Tống từ phía Đông tới. Hẹn ngày mười tám tháng một, hai đạo quân sẽ cùng hội lại vây chặt lấy Ung Châu.

       Tại thành Ung Châu, quân Đại Việt đánh đến hơn bốn mươi ngày mới thắng lợi hoàn toàn, rồi lấy đá lấp sông ngăn cứu viện, tiếp tục đem quân tiến lên phía Bắc lấy Tân Châu. Viên quan coi Tân Châu nghe thấy quân Đại Việt kéo gần đến thành, liền bỏ thành chạy trốn. Thấy mục tiêu hoàn thành, Lý Thường Kiệt cho rút quân về nước...

     Sau khi tiền đồn ở Ung Châu là căn cứ tập trung quân để Nam tiến bị phá tan, nhà Tống phải điều động thêm nhân lực và lương thảo để chuẩn bị đánh chiếm Đại Việt. Chúng hẹn với quân Chiêm Thành và Chân Lạp sang xâm chiếm Đại Việt, nhưng hai cách quân này không dám tới biên giới Tây Nam nước ta.

       Vào năm Thái Ninh 5 (1076) nhà Tống điều động tới mười vạn lính viễn chinh, một vạn ngựa cùng hai mươi vạn dân phu tấn công nước ta, nhưng chúng đã vấp phải sự kháng cự vô cùng anh dũng của quân dân Đại Việt dưới sự chỉ huy tài tình của võ tướng Lý Thường Kiệt. Đặc biệt là trận chiến phòng thủ trên sông Như Nguyệt cũng như bài thơ thần “Nam quốc sơn hà” được ra đời, nhà Tống phải xin giảng hòa, rút quân về nước.

      Vào thời gian này, triều đình nhà Lý đưa thông cáo rằng giặc ngoại xâm đã dẹp yên, nay nhà vua ban chiếu mời các tướng sỹ về kinh mở hội mừng công khen thưởng. Trong lễ mừng công Hữu Đô đốc chỉ huy sứ Kim An được thăng chức tướng công, vì có nhiều công lao trong chiến đấu chống giặc ngoại xâm. Sau đó tướng công Kim An trở về doanh trại xưa để tạ ơn thôn dân nơi đây đã giúp đỡ ông cũng như nghĩa quân hoàn thành nhiệm vụ, đặc biệt là những gia thần đã tham gia nghĩa quân cùng ông chinh chiến trên các mặt trận chống giặc, trong đó nhiều người đã anh dũng hy sinh.

      Các phụ lão cùng thôn dân nơi đây tổ chức lễ chào mừng đoàn quân và tâu rằng: “Từ khi nghĩa quân về xây dựng đồn sở tại địa phương, dưới sự chỉ huy tài giỏi của tướng công, nghĩa quân đã anh dũng chiến đấu góp phần bảo vệ toàn vẹn biên cương của Đại Việt cho thôn dân được yên ổn làm ăn, kinh tế sung túc. Nhân đây xin tướng công cho phép dân làng sau này được thờ cúng ông, tưởng nhớ tới ân đức lớn hôm nay”. Nghe xong, tướng công nhận lời và cho bày tiệc yến mời tất cả thôn dân trong trang cùng vui với tướng sỹ. Ông nói: “Phá được giặc ngoại xâm là nhờ ở lòng trời, nay bản trang tôn trọng ta muốn sau này ức niên thờ cúng, muôn đời phụng sự nhất vị, mỗi khi tế lễ phải cung thỉnh thánh phụ, thánh mẫu đồng lai giám cách”.

      Vào năm tiếp theo trong một lần tuần tra trên vùng biển phương Bắc, tướng quân Kim An đã cùng quân sỹ chiến đấu dũng cảm với kẻ thù và hy sinh vào ngày 12/11. Được tin tướng quân mất, vua Lý đã phong tước hiệu cho ông là An Trấn đại vương, mặc dù ông không phải tôn thất nhà Lý và cấp cho mảnh đất bên triền Hữu sông Thái Bình làm nơi thờ phụng ông, từ đó mảnh đất này được mang tên Cựu Điện, theo nghĩa Hán chữ Điện ở đây là “đất vua ban”. Để tưởng nhớ công ơn to lớn của tướng quân thời Lý, thôn dân trang Cựu Điện đã xây miếu thờ, vinh danh ông là thành hoàng và dâng biểu tấu lên triều đình để vua phong sắc cho An Trấn đại vương…

        Thời gian thấm thoắt trôi, miếu thờ An Trấn đại vương ngày càng linh ứng, hương lý kỳ mục của xã Cựu Điện sau này đã làm biểu tấu về triều và các đời vua tiếp theo đã nhiều lần phong sắc cho thần An Trấn đại vương. Các đời trước nữa chúng tôi chưa có số liệu, nhưng trước năm 1938, xã Cựu Điện còn giữ được 17 sắc phong thuộc các đời: Thịnh Đức 3 (1655), Vĩnh Thọ 1 (1658), Bảo Thái 2 (1721), Long Đức 2 (1733), Vĩnh Khánh 1 (1729), Vĩnh Hựu 3 (1737), Cảnh Hưng 1 (1740) và 28 (1767), Chiêu Thống 1 (1787), Quang Trung 3 (1790), Cảnh Thịnh 1 (1793), Gia Long 9 (1810), Tự Đức 10 (1857) và 33 (1880), Đồng Khánh 2 (1887), Duy Tân 4 (1910), Khải Định 9 (1924). Sắc phong cuối cùng của vua Khải Định vào niên hiệu Khải Định 9 (1924) với mỹ tự Quang ý Trung Đẳng Thần. Qua mỹ tự Quang ý, một lần nữa khảng định thêm một lần nữa đây là dương thần, một nhân vật có thật trong lịch sử nước nhà. Năm 1977 miếu và chùa Cựu Điện được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố, năm 1994 được vinh dự xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

        Từ trước tới nay, nhiều tư liệu cổ cũng như một số thần tích thần sắc và Từ điển Bách khoa địa danh Hải Phòng đều ghi tên thần là An Tấn đại vương. Chúng tôi phải về miếu Cựu Điện, xã Nhân Hòa, huyện Vĩnh Bảo một lần nữa để kiểm tra đối chiếu lại, qua các sắc phong đã chứng minh chính xác tên thần của tướng quân là An Trấn đại vương. Còn một số tài liệu, báo chí viết tướng quân Kim An là Vi Thủ An là chưa chính xác vì Vi Thủ An là tộc trưởng người Tày vùng Tô Mậu thuộc phía Đông Bắc tỉnh Lạng Sơn và một phần Quảng Ninh ngày nay. Trong trận chiến năm 1075, Doanh trưởng Vi Thủ An theo cánh quân đường bộ do tướng Tôn Đản tổng chỉ huy. Sau thắng lợi bị tướng Tống chiêu hàng, rồi làm nội ứng cho nhà Tống xâm lược nước ta. Vi Thủ An bị quân của Lý Thường Kiệt giết chết, khi làm tiên phong cho quân Tống vượt sông Như Nguyệt… Bao xúc cảm được dồn nén rồi thăng hoa:

 MIẾU QUÊ

 Hẹn hò “mảnh đất vua ban”*

 Giữa đông lòng vẫn chói chang nắng chiều

 Tay cầm ngọn gió bồng phiêu

 Men theo lối cũ liêu xiêu bến bờ

 Miếu thiêng tôn kính phụng thờ

 Nén hương vừa thắp bất ngờ gọi danh

 Thần quê ở mãi xứ Thanh

 Vì dân vì nước thác ghềnh sá chi

 Ung Châu** thời Lý khắc ghi

 Tống kia hồn lạc phách chia tơi bời

 Trận sông Như Nguyệt thấu trời

 Tuyên ngôn độc lập*** ngời ngời từ đây

 Bồng bênh một nỗi đắng cay

 Người hòa vào biển**** mặn ngày mặn đêm

 Đất quê giữ mảnh hồn thiêng

 Lời cầu kéo mảnh trời nghiêng xuống làng.

 __________ 

*Khi tướng Kim An hy sinh, được vua Lý ban tước An Trấn đại vương, mặc dù ông không phải tôn thất nhà Lý và cấp đất cho dân thờ phụng mang tên là Cựu Điện, chữ Điện nghĩa Hán là đất vua ban

**Thành Ung Châu bị quân đội Đại Việt tiêu diệt sau 40 ngày công kích

***Bài thơ thần “Nam quốc sơn hà” là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước ta.

****Tướng quân hy sinh tại vùng biển Đông Bắc trong trận chiến chống giặc Tống

 NGỌC TÔ



















 

 

Các tin liên quan

Đối tác

Len dau trang
© Copyright © 2018 . All rights reserved